Cà phê Arabica Sơn La: Tiềm năng chưa được "đánh thức"

00:39:00 - 13/04/2013

(Thời báo Kinh Doanh) - Dự án Cà phê Arabica Sơn La được triển khai 2 năm qua đã đạt những thành công bước đầu trong việc phát triển loại cà phê này. 

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 năm (2009 - 2011), xuất khẩu cà phê Arabica của Việt Nam tăng lên đáng kể, từ 24.000 tấn năm 2009 lên 41.000 tấn năm 2010, 50.000 tấn năm 2011 và 55.000 tấn năm 2012. Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Bỉ là 4 nước nhập khẩu cà phê Arabica lớn nhất của Việt Nam. 
 
Giá xuất khẩu cà phê Arabica tăng lên gần gấp đôi, từ 2.313 USD/tấn năm 2009 lên 4.261 USD/tấn năm 2011. Mức chênh lệch giữa Arabica và Robusta ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2009, mức chênh lệch 880 USD/ tấn, đến năm 2011, mức chênh lệch tăng lên hơn gấp đôi, cao hơn cả giá trung bình của Robusta với mức 2.162 USD/tấn. 
"Nàng công chúa ngủ trong rừng" 
 
Những năm qua, tốc độ phát triển của cà phê Arabica luôn tăng từ 20-30% về sản lượng và diện tích. Theo Ts. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cà phê Arabica chiếm trên 60% diện tích cà phê thế giới và được tiêu dùng nhiều, có giá trị kinh tế cao, do hương vị thơm ngon và hàm lượng caphein thấp (bằng 50% so với Robusta). Cây cà phê Arabica rất mẫn cảm với bệnh gỉ sắt, sâu đục thân, tuyến trùng. Năng suất vườn cà phê Arabica thường không ổn định, do tình trạng ra quả cách năm. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 40.000 ha cà phê Arabica, chiếm 8% tổng diện tích trồng cà phê cả nước. 
 
Sơn La có độ cao 600m so với mặt nước biển, song lại có hệ thống núi non trùng điệp bao quanh các bồn địa, các cao nguyên nằm ở phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn, có các sườn đốc của các dãy núi thấp hoặc trên các chỏm đồi thuộc vùng đất đỏ đá vôi có tầng dày và độ phì nhiêu khá cao. Chính vì vậy, đây là địa phương có điều kiện khí hậu tương đương với vùng trồng cà phê của Brazil, phù hợp cho cây cà phê Arabica sinh trưởng, phát triển tốt, cho chất lượng cao tương đương với cà phê Arabica nổi tiếng thế giới của Brazil. 
 
Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 3.500 ha cà phê, trong đó có hơn 2.500 ha đang khai thác, sản lượng 3.500 tấn/năm, hầu hết xuất khẩu sang Mỹ, EU. Cà phê Sơn La trồng tập trung chủ yếu ở Chiềng Ban, Chiềng Mung (huyện Mai Sơn), Hua La, Chiềng Đen (Tp Sơn La), Chiềng Pha, Tòng Cọ (huyện Thuận Châu). Những vườn cà phê ở đây đều cho sản lượng bình quân 20 tạ nhân/ha. 
 
Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Cố vấn cao cấp Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), mặc dù có lợi thế về chất lượng vượt trội, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh cà phê Sơn La có hương vị đặc biệt tương đương với các vùng cà phê nổi tiếng thế giới. Nhưng đáng buồn, cà phê Arabica Sơn La chưa xây dựng được thương hiệu riêng, nên người trồng cà phê nơi đây lại chưa có được lợi ích tương xứng. 
 
Nhiều chuyên gia đánh giá rất cao tiềm năng và lợi thế của cà phê Arabiaca Sơn La, có thể ví cà phê Arabica Sơn La hiện nay vẫn như "nàng công chúa ngủ trong rừng" cần được đánh thức. Hiểu rõ được tình hình đó, SIFE DAV (thuộc Học viện Ngoại giao) thực hiện dự án Arabica Sơn La với mục đích xây dựng vùng trồng cây cà phê mới – tiên tiến, chất lượng, tạo nên thương hiệu hàng đầu cho cà phê Arabica Sơn La. Dự án được Vietinbank tài trợ 3.350 USD, đã triển khai được gần 2 năm tại Chiềng Ban. 
 
Bà Tòng Thị Lan, Chủ nhiệm dự án Arabica Sơn La cho biết, trước khi có dự án, kỹ thuật canh tác của nông dân ở đây chỉ ở mức 5,2/10 điểm. Tuy 100% cà phê ở Sơn La đều chế biến ướt, nhưng có tới 97% vỏ cà phê không được xử lý, chỉ 3% được xử lý nhưng không đúng cách đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 
 
Dự án đã giúp các nông dân đưa ra các giải pháp phát triển cà phê arabica dài hạn, tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân ở Chiềng Ban, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến cà phê, tập huấn cách chế biến phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê, bằng sử dụng chế phẩm vi sinh EMIC. Quy trình này giúp giảm được 75% chi phí phân bón cho trồng cà phê. 
 
Qua 2 năm triển khai, đánh giá sự thay đổi về chất lượng cà phê theo 2 tiêu chí chính là độ ẩm và tỷ lệ hỏng đã được cải thiện nhanh. Trước kia, sản phẩm cà phê ở Chiềng Ban có độ ẩm 18,5%, nay giảm xuống chỉ còn 15,5%. Tỷ lệ hỏng trước đây là 8%, nay hạ xuống chỉ còn 6%. Điểm của đánh giá kỹ thuật đã tăng từ 5,2 lên 8,0/10. Giá bán cà phê hiện tại (1/1/2013) đạt 48- 5.000 đồng/ kg và giá xuất khẩu tương đương với 65 - 67 nghìn đồng/kg, cao hơn 20 – 30% so với khu vực ngoài dự án. 
 
Xây dựng thương hiệu 
 
Theo ông Nhạn, mặc dù dự án bước đầu đạt được một số thành công nhưng về lâu dài, phát triển trồng Arabica ở Sơn La đang gặp phải rất nhiều thách thức. Năng suất bình quân còn thấp, chỉ khoảng 0,6-0,7 tấn/ha, kém xa so với năng suất bình quân 2-3 tấn/ ha của vùng Tây Nguyên. 
 
Lẽ ra thổ nhưỡng ở Sơn La giúp cà phê cho năng suất rất cao, nhưng lại là vùng thiếu nước, không đủ tưới tiêu cho cây cà phê, khiến năng suất chưa cao. Hiện hầu hết cà phê ở Sơn La chế biến không đúng kỹ thuật. Nếu cà phê Arabica được chế biến ướt theo quy trình chuẩn lên men sạch nhớt, thì cà phê Sơn La chắc chắn sẽ có chất lượng cao hơn cà phê của Brazil. 
 
Một vấn đề đáng tiếc nữa, cà phê trồng ở Sơn La chủ yếu là giống Catimor, dễ bị bệnh gỉ sắt. Trong những năm tới, cần phải thay thế giống Catimor bằng các giống khác.
 
Theo Thời báo Kinh doanh
Bình luận
Chưa có phản hồi

Bình luận của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng.